Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2025

 6. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT LẦN THỨ 6 - HÀ NÔI 19/4/2025

Cuộc gặp măt C20F325 lần thứ 6 được dự kiến tổ chức vào năm 2021, nhưng vì Covid phải lùi lại, sau đó dự kiến tổ chức vào năm 2024. Nhưng vì 2025 là năm Kỷ niệm "50 năm Thống nhất đất nước", nên BTT quyết định kết hợp tổ chức Gặp mặt C20 lần 6 và Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào tháng 4/2025.

Cuộc gặp mặt đã diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 19/4/2025 tại số 2 Phạm Văn Đồng - Hà Nội, với sự có mặt của 73 CCB C20 và 8 Khách mời.

Đặc biệt của cuộc gặp mặt lần 6 là sự thay đổi từ tiêu chí: "C20F325 giai đoạn 1971-1975" thành "C20F325 Thời kỳ chiến đấu", với sự góp mặt hào hứng và nhiệt tình của đoàn 12 CCB C20 nhập ngũ 1978 từ Quảng Bình ra.






Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

5. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325 LẦN 5

Sẽ gồm mô tả kèm theo một số ảnh của cuộc gặp mặt lần thứ 5: Ngày 15/04/2018 tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Cầu Giấy Hà Nội

Chụp ảnh kỷ niệm chung

Lễ chào cờ
Phút Mặc niệm các Liệt  sỹ


Đêm trước buổi Gặp mặt: Các Cựu binh ở xa về tụ tập ở nhà A Duyên, đang "Tranh luận" về vụ Ngãi Giao - Châu Đức


Một ngày sau buổi gặp mặt: Anh Thắng Quản mời các Bô lão Nam Bộ và HT Bảo, NT Tài về nhà riêng, để Gặp mặt "nướng".




4. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325 LẦN 4

 Sẽ gồm mô tả kèm theo một số ảnh của cuộc gặp mặt lần thứ 4: Ngày 20/09/2015 tại Văn Giang - Hưng Yên

Hội trường tổ chức Gặp mặt
Viếng NTLS địa phương

4. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325 LẦN 3

 Sẽ gồm mô tả kèm theo một số ảnh của cuộc gặp mặt lần thứ 3: Ngày 01/09/2013 tại Tứ Kỳ - Hải Dương

Chụp ảnh chung kỷ niệm

Nhóm Khách từ xa đến

3. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325 LẦN 2

Đúng theo quyết định tại cuộc gặp mặt lần 1, cuộc gặp mặt c20 f325 lần 2 đã được tổ chức vào ngày 23/09/2011 tại Viện Hóa Học - 18 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội. 

Cuộc họp mặt lần 2 cũng đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp đẽ và ấn tượng: 

  • Trong phần nghi lễ, đại đội đã tắt nhạc để CCB chào cờ bằng Quốc ca sống, sau đó là phần Điểm danh C20 theo từng địa phương và phần giao lưu với "Khách" gồm a Ngơi, A Thời, Hồ Bảo (Từ Nhật về) và A Thận.
  • Như chưa hề có cuộc chia ly: Đại phó Võ Văn Thời đã về dự sau gần 40 năm thất lạc.
  • Đã kết nối với gia đình đại trưởng Nguyễn Đức Hiền, nhưng đáng tiếc anh Hiền đã ra đi rất sớm.
  • Đã trao kỷ niệm chương "Thành cổ Quảng Trị 1972" cho các CCB.
  • Đã phát Kỷ yếu c20 F325 cho các CCB

Chụp ảnh kỷ niệm Lần gặp mặt thứ 2 của C20 F325

Điểm danh đại đội: "Hưng Yên?" - "Có chúng tôi!"

Điểm danh đại đội: "Hà Nội?" - "Có chúng tôi!" 

Chính trị viên trưởng Hữu Khâm tâm sự

Hội trường chăm chú lắng nghe các phát biểu

Giao lưu với các nhân vật tiêu biểu

Trao kỷ niệm chương Thành Cổ cho các Bô lão C20

Trao Kỷ niệm chương Thành Cổ

Trao kỷ niệm chương Thành Cổ

2. GẶP MẶT ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325 LẦN 1

 


Sau chiến tranh, những người lính c20 mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một con đường đi, chỉ đôi khi có các nhóm gặp lại nhau, chưa lần nào Họp mặt đại đội. Sau nhiều cố gắng của các nhóm và các cá nhân, cuộc gặp mặt đại đội c20 f325 lần thứ nhất đã được tổ chức ngày 15/9/2009 tại số 1 Trấn Vũ, ven hồ Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội nhân dịp 40 năm thành lập đại đội (1971-2011).

Những người lính c20 năm xưa của nhiều đợt khác nhau, nhiều nhóm khác nhau, từ khắp mọi miền đất nước đã về gặp nhau. Biết bao đổi thay, kể cả mất mát. Tại cuộc họp mặt này, sau khi ôn lại nhiều kỷ niệm xưa, đại đội đã thống nhất: 
  • Cố gắng tổ chức Họp đại đội 2 năm một lần; 
  • Quyết đinh chuẩn bị để ra mắt Kỷ yếu C20 f325. Nhân họp mặt, mọi người tranh thủ chụp ảnh để đưa vào kỷ yếu. Phần lớn ảnh trong Kỷ yếu sau này (2011) đều được chụp trong dịp này, hoặc tai 1 góc sân, hoặc ở góc nhìn ra hồ, tay ai nấy vẫn cầm tờ khai thông tin cho Kỷ yếu.
  • Cuộc họp cũng đã kêu gọi mọi người cố gắng tìm một số đồng đội còn bị "thất lạc", trong đó có nguyên đại trường Nguyễn Đức Hiền và nguyên đại phó Võ Văn Thời. 

Tình cờ. hôm đó cũng tại địa chỉ trên đã diễn ra cuộc gặp mặt của các đồng đội trung đoàn 18, f325. Một chiến sỹ của c20 f325 đã từng là trung đoàn trưởng e18 phải chạy sô, lức bên c20, lúc lại sang e18.

Cuộc gặp gỡ c20 f325 lần 1 đã thành công ngoài mong đợi.

1. LỊCH SỬ ĐẠI ĐỘI TRINH SÁT C20 F325

 

LƯỢC SỬ C20 F325

1.       Giai đoạn 1: Thành lập và huấn luyện ngoài Bắc

Cuối năm 1971, sư đoàn chủ lực 325 được chuyển từ chức năng “Sư đoàn huấn luyện quân tăng cường” sang “Sư đoàn cơ động chiến đấu”. Các đơn vị chức năng được tức tốc thành lập để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, trong đó có Đại đội trinh sát sư đoàn, ký hiệu C20.

Ban chỉ huy đại đội giai đoạn đầu gồm các đồng chí Đức Hiền (Hà Bắc), Hữu Khâm (Phú Yên), Văn Thời (Quảng Nam) và Ngọc Ánh (Bình Định). Biên chế đại đội gồm 9 tiểu đội trinh sát, chia đều thành 3 trung đội 1-2-3 và bộ phận C bộ gồm tiểu đội thông tin trinh sát, bộ phận anh nuôi, tiếp phẩm và y tá. Ngoài ra, trong biên chế đại đội còn có Tiểu đội trinh sát kỹ thuật (A12), nhưng A12 thường ở gần Ban trinh sát sư đoàn (Ban 2). Ban đầu biên chế c20 có 122 quân nhân, trừ các cán bộ khung, còn phần lớn là tân binh nhập ngũ từ Hưng Yên các đợt giữa và cuối năm 1971. Cuối tháng 1/1972, đại đội được bổ sung 6 chiến sỹ từ Lớp Dự  khóa bay, Bộ tư lệnh PKKQ về, nâng con số lên 126.

Địa điểm đóng quân ban đầu của c20 là xã Đa Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc  Giang), nằm bên bờ sông Thương, đối diện nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Nhiệm vụ chính của c20 trong giai đoạn này là huấn luyện. Ngoài các nội dung huấn luyện chung của lính bộ binh, c20 còn có nhiều nội dung thuộc về nghiệp vụ trinh sát như võ thuật, binh địa, tiềm nhập, ... dù vẫn còn ở mức rất cơ bản. Giai đoạn huấn luyện này rất ngắn ngủi, mới chỉ chưa đầy 1 tháng thì sư đoàn 325 nhận nhiệm vụ mới: Hành quân từ Hà Bắc vào Hà Tĩnh – Quảng Bình. Tháng 1/1972, đại đội c20 hành quân cùng các đơn vị trực thuộc sư bộ vào đứng chân ở khu vực dãy Hoành Sơn, ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình,

Tại địa bàn mới, gần chiến trường hơn, sư đoàn 325 là thê đội dự bị cho Mặt trận Bắc Quảng Trị (B5) và chống quân đổ bộ. C20 tiếp tục các nội dung huấn luyện nghiệp vụ trong điều kiện mới: Lập đài quan sát trên dãy Hoành Sơn, tập đi địa hình ngoài Đèo Ngang, tập bơi vũ trang ở cửa sông Ròn … Khác hẳn với thời kỳ huấn luyện ngoài Hà Bắc, tập luyện ở Hoành Sơn đã có hơi thở chiến trường hơn, lính trinh sát tập lập đài quan sát trên Hoành Sơn khi máy bay Thần Sấm và Con Ma Mỹ đang rú rít trên trời. Cũng trong giai đoạn này, c20 đã cử 6 chiến sỹ ra Cục Hai (Sơn Tây) học nâng cao về nghiệp vụ trinh sát binh địa (3) và trinh sát ảnh (3), sau đó ít lâu lại cử thêm 02 chiến sỹ ra Cục Hai học về võ thuật, nhằm phục vụ cho mục đích phát triển trinh sát ở cấp chiến dịch và lâu dài.

2.       Giai đoạn 2: Tham chiến ở chiến trường Quảng Trị

Hè 1972, mặt trận Quảng Trị trở nên nóng bỏng. Tháng 5/1972, c20 trong đội hình F325 đã được lệnh vượt sông Bến Hải, vào khu vực Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử. Ngay những ngày đầu vào Cam Lộ, 7 chiến sỹ (Sưu, Phớt, Lừng  ngày 02/8/72 và Đằng,  An,  Tiến,  Hiếu, ngày 04/8/72)  đã  hy sinh vì bom B52. Đại đội lập các đài quan sát tại Thành Cổ Quảng Trị, Bắc đầu cầu Thạch Hãn, Nhan Biều, An Đôn và cao điểm 20 ở Ái Tử để nắm sát tình hình địch ta trong chiến dịch 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Trong thời kỳ này, ban chỉ huy đại đội, phân tán mỗi người một hướng theo các phân đội trinh sát, các đài trinh sát. Các chiến sĩ c20 phải liên tục vượt sông Thạch Hãn sang Thành Cổ để nắm tình hình địch-ta, báo cáo về Ban 2. Đc Đàm đã anh dũng hy sinh khi đang chuẩn bị lập đài trinh sát gần khu vực Dinh tỉnh trưởng.

Sau chiến dịch 81 ngày đêm ở thị xã Quảng Trị, sư đoàn 325 nhận trọng trách chính phòng ngự tại mặt trận Quảng Trị. C20 chuyển sang giai đoạn mới, đơn vị cử các mũi trinh sát binh địa khảo sát hoàn thiện sơ đồ bố phòng ta-địch trên toàn tuyến, tổ chức phục bắt tù binh ở ngầm Phương Thúy, lập nhóm quản lý và khai thác tù hàng binh, hỗ trợ quân cảnh đảm bảo trật tự tại thị xã Đồng Hà... Đặc biệt, tại điểm nóng Tích Tường – Như Lệ, nơi giao tranh vẫn ác liệt cho đến ngày ký hiệp định 1973, c20 có một tổ trinh sát cắm chốt ở điểm nóng này cùng với trinh sát và bộ binh e95. Tiểu đội trưởng Độ đã hy sinh tại khu vực này.

Do tính đặc thù của đại đội trinh sát nên nhân sự của c20 có khá nhiều đợt biến động. Quân số đại đội được bổ sung nhiều đợt, một phần là để bù đắp các tổn thất do chiến sự (hy sinh, ốm đau, …), nhưng phần này không lớn, phần còn lại chủ yếu là để bù đắp số anh em được điều chuyển, tăng cường cho các đơn vị khác. Đợt bổ sung đầu tiên là vào tháng 7/1972, c20 được bổ sung tân binh nhập ngũ tháng 5/1972 thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Khu Vực Vĩnh Linh. Nhiều trong số anh em này đã sớm trở thành lực lượng nòng cốt của c20. Đến tháng 12/1972, c20 được bổ sung quân lần thứ hai, gồm những anh em chiến đấu suất xắc từ 3 trung  đoàn 101, 95 và 18 được tuyển về, những người lính  đã dày dạn trận mạc ở Quảng Trị-1972. Trong năm 1973, đơn vị còn được bổ xung 2 đợt các chiến sỹ từ tiểu đoàn 338 thuộc Mặt Trận B5 và từ tiểu đoàn Đặc công (d19) của sư đoàn.  

Đại đội 20 chụp ảnh kỷ niệm cùng trợ lý Ban Hai tại Trà Liên Tây - 1973

Sau hiệp định 1973, toàn tuyến Quảng Trị đã gần như im tiếng súng. C20 bước vào một giai đoạn mới, với nhiệm vụ mới, định hướng mới. Một mặt đại đội tập trung xây dựng khu doanh trai mới ở Quất Xá (Cam Lộ), tập trung huấn luyện và cập nhật một số kỹ năng trinh sát mới, chỉ còn một số nhóm ở đài quan sát trên điểm cao 108, ở Như Lệ - Tích Tường. Ít lâu sau, c20 chuyển về Trà  Liên Tây,  gần chiến tuyến hơn, bắt tay xây  dựng lại doanh trại,  củng  cố  lực  lượng  và  tiếp tục tập  luyện. Cũng trong giai đoạn này, sư đoàn đã giao cho c20 mở “Lớp Binh địa” với nòng cốt là các chuyên gia binh địa của c20 và e18 để đào tạo lực lượng nòng cốt về trinh sát binh địa cho toàn sư đoàn. Mặt khác, đơn vị vẫn thực hiện các nhiệm vụ tác chiến, theo yêu cầu của Ban Hai và sư đoàn. C20 đã tổ chức các nhóm đi dọc theo toàn chiến tuyến, từ mép biển Long Hội, qua Thị xã, lên miền Tây Tích  Tường, Như Lệ  để khảo sát thực địa, hoàn thiện hồ sơ binh địa cho toàn tuyến sau Hiệp định. Một nhiệm vụ tác chiến khác nặng nề và quan trọng hơn, đó là tổ chức các đợt trinh sát luồn sâu vào bên kia chiến tuyến, chuẩn bị cho các chiến dịch trong tương lai.  

-    Chuyến luồn sâu đầu tiên mang mật danh A74, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Phân đội gồm các đồng chí suất xắc của đơn vị được sư đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ. Ngày 6/1/1974 toán A74 nhận lệnh xuất kích từ Trà Liên Tây, khi chỉ còn nửa tháng nữa là Tết. Đáng tiếc, hai ngày sau, chuyến xe chở nhóm A74 đã gặp tai nạn trên đèo 365 gần Ba Lòng, một thành viên hy sinh, các thành viên còn lại, trong đó có trợ  lý Ban 2 (Xich) và đại trưởng Ngơi đều bị thương.   

-     Chuyến luồn sâu thứ hai kết hợp với trinh sát trung đoàn 95 do đ/c Đức Hiền (trưởng ban trinh sát e95)  chỉ huy, có  nhiệm vụ trinh sát địch ở cao  điểm 367, phía trên động Ông Do ở miền tây Quảng Trị. Đêm đầu tiên nhóm trinh sát đã lên được sát bờ của cao điểm, nhưng khi rút ra không xoá hết dấu vết. Đêm sau, địch phục kích chờ sẵn đánh mìn và ném lựu đạn. Đ/c Điển, trung đội trưởng, và đ/c Sơn, tiểu đội phó, đã hy sinh tại chỗ.

-    Chuyến luồn sâu thứ ba do đ/c Dân, trung đội trưởng, chỉ huy, có du kích Hải Lăng dẫn đường, đi dọc theo sông Nhùng xuống khảo sát vùng đồng bằng Hải Lăng.

-     Chuyến luồn sâu thứ tư do đ/c Phi (Chính trị viên  trưởng) chỉ huy, đi cùng một đ/c trong huyện đội Hải Lăng và một đ/c du kích xã. Lần này trinh sát luồn xuống gần đường 1, ngay sát nhà thờ La Vang, khảo sát địa hình và bố phòng phía nam thị xã Quàng Trị.   

3.       Giai đoạn 3: Tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng

Mặc dù gắn bó, xương máu với chiến trường Quảng Trị, nhưng cuối 1974, nhiệm vụ của sư đoàn lại chuyển hướng, rời Quảng Trị, hướng vào Thừa Thiên - Huế. Tại địa bàn mới, c20 đã kết hợp với trinh sát e95 tổ chức đợt luồn sâu thứ 5, do đ/c Đức Ngoan, tham mưu phó sư đoàn, trực tiếp chỉ huy. Bốn phân đội của c20 và của trinh sát trung đoàn 95 có trinh  sát quân  khu 5 dẫn đường đã luồn sâu dọc theo sông Bồ,  xuống các căn cứ của biệt động Hương Trà, Hương Thuỷ và biệt động thành Huế. Phân đội thứ nhất do đ/c Thanh, Bùi Thắng phụ trách trinh sát cứ điểm Núi Gió (Chóp Nón). Phân đội thứ hai do  đ/c Minh chịu trách nhiệm làm binh địa cứ  điểm Hòn Vượn. Phân đội thứ ba do đ/c Lâm phụ trách làm binh địa ở Chóp Nón. Phân đội thứ tư do đ/c Duyên phụ trách làm ảnh đồ căn cứ Hòn Vượn. Phối hợp còn có phân đội do  đ/c tham mưu trưởng e95 và  đ/c Hổ binh  địa Trung đoàn 95, cũng thực hiện trinh sát Hòn Vượn. Trong đợt luồn sâu thứ 5, anh em bị thám báo phục kích, đ/c Tư cùng với đ/c Quí, trinh sát mặt trận, đã hy sinh.

Ngay sau đó, nhiệm vụ của sư đoàn đột ngột chuyển từ Bắc Huế sang Nam Huế cùng với sư đoàn 324. Nhân sự đại đội giai đoạn này có nhiều thay đổi lớn. Một số lãnh đạo mới được bổ sung: Đ/c Nhạ đại đội trưởng, đ/c Thanh chính trị viên,  đ/c  Triêm  đại  đội  phó; Đặc biệt, đầu năm 1975, c20 được bổ sung đợt khá lớn anh em tân binh nhập ngũ tháng 10/1974 từ tỉnh Hải Dương (49 chiến sỹ tân binh, gần nửa quân số c20) để bù đắp  số chiến sỹ cũ được điều chuyển, tăng cường sang các đơn vị khác.  Lực lượng bổ sung đợt này sẽ là trụ cột của c20 trong các giai đoạn sau.

Đúng tết Nguyên Đán 1975, đơn vị lên đường di chuyển qua Ba Lòng, A Lưới, vào Nam Đông, Khe Tre. Phân đội trinh sát do đ/c Nhạ chỉ huy tiến hành trinh sát, điều tra căn cứ Lương Điền. Một phân  đội khác tổ chức phục kích bắt tù binh để khai thác tình hình địch. Một tổ được cử lên sư đoàn xây dựng sa bàn tác chiến chiến địch. Anh em còn tham gia vận chuyển đạn và kéo pháo 105 và cao xạ 37 lên lên cao điểm 560. Không khí khẩn trương, nhộn nhịp, tình hình liên tục biến động.

Đúng 5 giờ 45 phút sáng ngày 8 tháng 3, sư đoàn 324 bắt đầu tấn công căn cứ Mỏ Tàu, các điểm cao ở Tây Nam Huế. Nửa tháng sau, 5 giờ 40 phút ngày 21/3, sư đoàn 325 bắt đầu khai hỏa bắn vào các điểm cao trên dãy Lưỡi Cái, Mom Kim Sắc, tiến tới chia cắt đường số 1  ở đoạn Phú Lộc. Chỉ sau nửa giờ nổ súng, ta đã cắt đứt Huế khỏi Đà Nẵng. Sau đó e101 và e18 tấn công địch tại các điểm cao  và  tràn  xuống  đường  1.  Phân đội trinh sát do đ/c Bùi Thắng phụ trách, đã luồn sâu vào hướng thành phố Huế để bám địch. Đêm 24/3/1975 nhóm trinh sát đã luồn tới phía đông Huế. Ngày hôm sau, 25/3, ta đã thực sự giải phóng Huế.  

Sau khi giải phóng Huế, c20 thu quân về thôn Kim Liên, gần kho xăng Liên Chiểu đà Nẵng, chờ nhận nhiệm vụ mới.


4.       Giai đoạn 4: Tham gia “Thần tốc” tiến vào giải phóng Sài Gòn

Do những biến đổi thuận lợi trên toàn chiến trường, đầu tháng 4/1974, sư đoàn 325 nhận lệnh nằm trong Cánh quân Duyên Hải của quân đoàn 2, rời Bình Trị Thiên, thần tốc hành tiến về phía Nam. Ngày 7/4/1975 cả đại  đội hành quân bằng ô tô, di dọc theo  đường 1, chỗ nào cầu hỏng thì đi vòng. C20 là lực lượng tiên phong của sư đoàn, vừa hành quân vừa dẫn đường, vừa nắm tình hình, vừa cùng bộ đội ta tác chiến dọc đường trong khí thế thần tốc. Sáng 15/4, một phân đội trinh sát bám địch tại bắc Phan Rang, sáng 16/4/1975 trinh sát c20 dẫn xe tăng, thiết giáp tấn công Phan Rang. Trong vòng 2 giờ, ta đã hoàn toàn giải phóng Phan Rang. Thời điểm này, các chiên sỹ mới từ Hải Dương đã quen trận mạc, hòa nhập tốt trong các mũi trinh sát. Tinh thần mọi người rất khí thế trong không khí hào hùng chung.

Chiều 16/4/1975, đại đội c20 tiếp tục lên đường tiến từ Phan rang về Phan Thiết. Trên  đường đi, máy bay A37 của địch liên tục ném bom và bắn  chặn. Chiều 21/4 cả đơn vị đã tới phía bắc Xuân Lộc. C20 nhận lệnh dẫn đầu sư đoàn, luồn rừng cao su vòng theo hướng Bà Rịa. Rạng sáng 22/4, nhóm trinh sát tiên phong đã đụng độ với nhóm tàn quân của địch chạy từ Xuân Lộc về trên QL2  (cũ),  hai đ/c Dân (A trưởng đợt đầu tiên) và đ/c Nhật (Cs Hải Dương) đã hy sinh, một số anh em khác bị thương, một mất mát đáng tiếc ngay "Trước bình minh".

Ngày 22/4, đơn vị nhận lệnh chuyển hướng, di chuyển trong rừng cao su rẽ về Long Thành. Máy bay C130 và HU1A của địch bắn rất rát, gây một số thương vong. Một mũi trinh sát cùng xe tăng và bộ binh tấn công Long Thành. Địch chống trả quyết liệt nhưng ta đã vượt qua rất nhanh, tiến thẳng về Nhơn Trạch. Mọi con đường đều hướng đến Sài Gòn. Đơn vị nào cũng muốn là người đầu tiên tiến vào Sài Gòn. Đêm 29/4/1975, bộ binh ta đã tấn công và giải quyết xong Nhơn Trạch, khoảng 3 giờ sáng quân ta vượt qua Thành Tuy Hạ, tiến sát đến bờ sông Đồng Nai, bên kia là căn cứ Cát Lái  

 Đúng 5 giờ sáng 30/4, một phân đội trinh sát gồm các đ/c Lê Minh, Quynh, Duyên (A12) do đ/c Trịnh Phẩm Hạnh, trợ lý Ban 2, chỉ huy, dùng hai thuyền của du kích vượt qua sông Đồng Nai để nắm địch và lập đầu cầu bên căn cứ Cát Lái. Trong khi đó, pháo 85 và cao xạ 37 của ta dàn trận  ở bờ sông, chuẩn bị bắn thẳng sang Cát Lái sẵn sàng yểm hộ. Đầu cầu bên kia, anh em trinh sát đã lọt vào bên trong căn cứ Cát Lái, báo cho Ban Hai biết: "Căn cứ đã bị địch bỏ trống. Ta khẩn trương tổ chức vượt sông". Khoảng 9 giờ, một mũi trinh sát tiếp tục trinh sát địch ở quận 9 phía cảng Bạch Đằng, trên sông Sài Gòn.   

 Khoảng 11 giờ ngày 30 tháng tư  năm 1975. Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, giang sơn đất nước được thống nhất. 


5.       Giai đoạn 5: Tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc

Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng với những người lính nói chung, với các chiến sỹ trinh sát c20 f325 nói riêng, vẫn còn những thử thách, gian nguy chờ ở phía trước. 

Sau khi giải phóng Sài Gòn (30/4/1975), một số cán bộ chiến sỹ c20 rời quân ngũ, xuất ngũ, phục viên hoặc chuyển ngành. Một số, nhất là số anh em được bổ sung các đợt sau, ở lại c20 hoặc chuyển đi các đơn vị khác, tiếp tục phục vụ trong quân đồi, tiếp tục có mặt ở những nơi nóng bỏng (Căm-Pu-Chia, Biên giới phía Bắc). 

Phần này để các đồng đội còn ở lại c20 sau 1975 và các thế hệ CCB C20 giai đoạn sau (đợt nhập ngũ 1978, ... ) bổ sung thêm cho đến hết phần “C20 trong chiến đấu”, chuyển sang "C20 trong thời bình". 


(Phần chiến tranh biên giới Tây Nam và Biên giới phá Bắc)



6. Phần Kết

Đại đội trinh sát c20 f325 ra đời vào giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn đầy cam go, ác liệt và hào hùng. C20 đã có mặt ở mặt trận nóng bỏng Quảng Trị, tham chiến thần tốc từ Huế vào đến Cát Lái - Sài Gòn, sau đó tiếp tục chiến đấu trên đất Căm-Pu-Chia và biên giới phía Bắc.

Những người lính trinh sát C20 F325 mãi mãi có quyền tự hào về những năm tháng hào hùng, đáng  nhớ ấy.